Kinh doanh thời trang trong kỷ nguyên số

Đăng ngày 403 lượt xem

            Ngày này, sự ra đời của hàng loạt tiến bộ công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của lĩnh vực thời trang. Việc kinh doanh một thương hiệu thời trang trên mạng xã hội với các chiến lược kinh doanh, marketing và bán lẻ đã khác nhiều so với trước đây.

https://storage.googleapis.com/vinaresearch/userfiles/news/social_contnt_all/social_banner%20(6).jpg

Hình 1. Kết quả thống kế mục đích truy cập mạng xã hội (MXH) [Nguồn: http: www.vinaresearch.net]

        Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm tê liệt nhiều chiến lược kinh doanh truyền thống, đặt ra yêu cầu cho các CEO (Chief Executive Officer) cân nhắc lại chiến lược kinh doanh và điều chỉnh nội dung, phương thức vận hành doanh nghiệp. Cạnh tranh không còn đơn thuần diễn ra giữa các đối thủ tương đồng trong cùng ngành mà diễn ra theo hướng “bất đối xứng” giữa các đối thủ hoàn toàn khác nhau về kinh nghiệm, mô hình kinh doanh hay hệ giá trị. Kinh doanh thời trang trong kỷ nguyên số được thể hiện:

1. Chiến lược sản phẩm

         Công nghệ số tạo ra những trải nghiệm mới trong quá trình thử sửa sản phẩm. Do đó, showroom kỹ thuật số, xem sản phẩm bằng 3D hay thử đồ tương tác ảo cho khách hàng được mở rộng. Công nghệ này đáp ứng được nhu cầu mua hàng từ xa của khách hàng và giúp thương hiệu dẫn đầu xu hướng và cắt giảm chi phí. 

Hình 2. Thử quần áo bằng phương pháp mô phỏng 3D [Nguồn: https://smartfashion.ai]

2. Chiến lược Marketing

        Yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp không chỉ có yếu tố thương hiệu mà còn từ sản phẩm, chuỗi cung ứng, dịch vụ chăm sóc khách hàng.

        Các hình thức ra mắt bộ sưu tập online hay livestream để tương tác, lấy ý kiến khách hàng đều là những công cụ đưa doanh nghiệp đến gần với khách hàng mà ít gây tốn kém về mặt chi phí. Ngoài ra, sử dụng công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cũng có thể thu hút nhiều khách hàng quan tâm hơn và tăng mức độ hài lòng của khách hàng.

Hình 3. Livestream bán hàng online [Nguồn: http://d.chic.vn]

3. Chiến lược bán lẻ

        Điểm quan trọng để cải thiện mô hình kinh doanh của thương hiệu online nằm ở kênh phân phối. Do hệ quả từ đại dịch, khách hàng đang thay đổi thói quen mua sắm thông thường thành đặt hàng online nhanh gọn. Do đó, các doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển một trải nghiệm mua sắm đa kênh nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả. 

         Ngày nay, với các ứng dụng đặt hàng qua mạng, shipping tận nhà thông qua bên thứ ba như Grab, Gojek, Baemin... khoảng cách giữa sản phẩm với khách hàng ngày càng được thu ngắn lại và tốc độ đòi hỏi ngày càng tăng lên. Các trang kinh doanh điện tử như Shopee, Lazada cũng đều có chính sách vận chuyển hiệu quả để các doanh nghiệp thời trang tận dụng.

Hình 2. Tỷ lệ sử dụng MXH của các Công ty bán lẻ thời trang [Nguồn: Isentia Việt Nam]

          Như vậy, kinh doanh bán lẻ quần áo thời trang trong thời kỷ nguyên số của các doanh nghiệp nên:

         - Điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động truyền thông marketing trong bối cảnh mới để tối đa hóa lợi ích cho doanh nghiệp. Hoàn thiện hoạt động truyền thông marketing là cần thiết để các doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và phát triển.

       - Sự phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghiệp 4.0 ngày càng mạnh mẽ, vì vậy truyền thông marketing của các doanh nghiệp phải tính đến tác động của các yếu tố này với các công cụ truyền thông marketing và hồ sơ tiếp nhận thông tin của các đối tượng nhận tin mục tiêu của doanh nghiệp. Hơn nữa các đối tượng khách hàng ngày càng tiếp cận các thông tin qua các công cụ truyền thông marketing được phát triển dựa trên nền tảng số.

         - Các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng các công cụ truyền thông marketing trực tuyến nói riêng và kỹ thuật số nói chung, thực hiện truyền thông marketing theo các tập khách hàng được phân đoạn theo các đặc điểm hành vi tiếp nhận thông tin và các đặc điểm khác. Trong truyền thông marketing thời gian tới, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ để có các mô hình truyền thông marketing tiên tiến và tăng cường tương tác với các khách hàng qua các kênh và công cụ truyền thông marketing trực tuyến.

        - Cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông online qua mạng xã hội và website như Facebook, Instagram, Youtube và cần tận dụng tối đa trang web của doanh nghiệp để truyền thông thông tin.

       - Các doanh nghiệp cần chú ý đối với hình ảnh bên ngoài và ngoại thất của các cửa hàng. Cần sử dụng truyền thông qua các bài trí nội thất và các vật dụng để trưng bày và hỗ trợ trưng bày trong các cửa hàng.

         - Các doanh nghiệp cũng cần khai thác quảng cáo truyền miệng của các khách hàng hài lòng với các nhóm tham khảo của họ. Đặc biệt khi truyền các đánh giá tích cực về sản phẩm và về doanh nghiệp.

         - Khi sử dụng mạng xã hội cần khai thác cả hình ảnh, video ngắn hay những dòng cập nhật có nội dung hấp dẫn để thu hút khách hàng. Đồng thời khai thác triệt để các tương tác với các đối tượng công chúng trên mạng xã hội để thu thập thông tin phản hồi và xác định các thông tin của khách hàng.

       Với các kênh này, các doanh nghiệp cần sử dụng hình ảnh sản phẩm được chau chuốt và đầu tư chuyên nghiệp để tạo sức hút và ấn tượng với người nhận tin. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tạo chủ đề hấp dẫn để bàn luận trên những hội nhóm hay forum lớn bằng cách tạo ra những câu chuyện hay lạ, dễ gây ấn tượng và làm cho khách hàng nhớ đến doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp.

                                                Nguồn: Bộ môn Quản trị Kinh doanh thời trang

Video