Chi bộ Công nghệ May và Thời trang tham quan, học tập thực tế tại khu di tích lịch sử Tân Trào – Tuyên Quang và An toàn khu Định Hóa – Thái Nguyên

Đăng ngày 103 lượt xem

             Nhằm đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ với mục đích giúp các đảng viên trong Chi bộ tìm hiểu về các di tích lịch sử cũng như truyền thống hoạt động cách mạng của các thế hệ đi trước, từ đó nâng cao nhận thức, học tập tư tưởng và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 06/08/2023, Ban chi ủy chi bộ Công nghệ May và Thời trang - Đảng bộ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã tổ chức cho đảng viên trong chi bộ thăm quan, học tập thực tế tại khu di tích lịch sử Tân Trào -Tuyên Quang và An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sống và làm việc từ năm 1947 – 1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

 

Đoàn tham quan học tập gồm: Đồng chí Bùi Thị Việt Hà - Bí thư Chi bộ, đồng chí Lưu Hoàng – Phó bí thư chi bộ, trưởng Khoa CN May và Thời trang cùng toàn thể các đồng chí đảng viên trong chi bộ. Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Tân Trào – Tuyên Quang.

Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Tân Trào – Tuyên Quang.

            Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng được xây dựng trên khu đất rộng, bằng phẳng với diện tích trên 1000m2. Khu tưởng niệm thờ 14 vị tiền bối cách mạng gồm: Đồng chí Trường Chinh, Đồng chí Lê Duẩn, Đồng chí Tôn Đức Thắng, Đồng chí Phạm Văn Đồng, Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ông Bùi Bằng Đoàn (một nhân sĩ yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Ban cố vấn Chính phủ; thanh tra đặc biệt của Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa I), Đồng chí Phạm Hùng, Đồng chí Võ Văn Kiệt, Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đồng chí Lê Văn Lương, Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Đồng chí Tố Hữu. Đây là một công trình mang giá trị về lịch sử, văn hóa, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho mọi thế hệ người dân Việt Nam và đặc biệt đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước ta có thờ 14 vị tiền bối cách mạng, những người có công rất lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Tại đây, đoàn đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng.

 

Chi bộ chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng

Tân Trào (Tuyên Quang)

            Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là Đình Tân Trào - nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam trong cách mạng Tháng tám năm 1945. Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được dựng năm 1923 với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng.

           Tại đây, ngày 16-8-1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã được khai mạc, về dự Quốc dân Đại hội có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ trì Đại hội là đồng chí Trường Chinh, trong Đại hội, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được bầu vào đoàn chủ tịch với tên gọi kính yêu Hồ Chí Minh. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là cờ đỏ, sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ hai trong lịch sử dân tộc ta. Quốc dân Đại hội Tân Trào chính là tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này là Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 10 chính sách của Việt Minh cũng chính là tiền đề của bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta.

 

 

Chi bộ chụp ảnh lưu niệm tại Đình Tân Trào

 

 

          Tiếp theo, đoàn ghé thăm di tích cây đa Tân Trào – Biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang. Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào.

 

Cây đa Tân Trào

             Sau khi chụp ảnh lưu niệm tại đây, đoàn đã đến thăm khu du tích lịch sử Lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5

đến ngày 22/8/1945

             Lán Nà Nưa cách làng Tân Lập hơn 500 mét về hướng đông, cách lán chừng 80 mét là con đường mòn qua đèo De, sang Phú Đình- Định Hóa (Thái Nguyên); phía trước lán, dưới chân rừng Nà Nưa là dòng suối Khuôn Pén đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa - Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước.

Chi bộ chụp ảnh lưu niệm trên hành trình thăm Lán Nà Nưa.

 

 

 

 

             Theo chân hướng dẫn viên, nghe giới thiệu về từng địa danh lịch sử, mỗi đồng chí đảng viên trong chi bộ như thấy lại hào khí cách mạng, hào khí Việt Bắc năm nào.

 

Chi bộ chụp ảnh lưu niệm tại Lán Nà Nưa.

 

             Cùng ngày đoàn đã đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa – Thái Nguyên, ATK Định Hóa là một khu di tích rộng lớn, là vùng lõi của chiến khu Việt Bắc, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ) nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1947-1954. Đoàn được hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về Khu Di tích ATK cũng như cung cấp những thông tin lịch sử gắn liền với những năm tháng sống và làm việc của Người tại nơi đây: Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị BCH TW đã họp thông qua kế hoạch tác chiến – tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953- 1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành tại đây.

 

              Nhà tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác, nằm trên một quả đồi hình mai rùa, tựa lưng vào dãy núi Hồng hùng vĩ với kiến trúc truyền thống, mái ngói đỏ, đầu đao vút cong tựa rồng bay. Tại đây, các đảng viên chi bộ đã thành kính làm lễ dâng hương tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không gian trầm mặc cùng âm thanh của tiếng chuông và tiếng khánh ngân vang, nhắc nhở các thế hệ đảng viên chi bộ Công nghệ May và Thời trang tiếp tục phát huy niềm tự hào về một thời oai hùng của cả dân tộc.

 

 

Lễ dâng hương tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Đồng chí Lưu Hoàng ghi cảm tưởng tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

             Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa – Thái Nguyên cũng là điểm tham quan cuối của chuyến hành trình về nguồn, học tập thực tế của đoàn. Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong mỗi đảng viên, qua đó giúp mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về công lao to lớn của Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc cũng như những đảng viên trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, dân tộc ta. Hành trình thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập của dân tộc.

Chi bộ chụp ảnh lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu Di tích Quốc Gia đặc biệt ATK Định Hóa – Thái Nguyên.

           Có thể nói chuyến đi thực tế trải nghiệm tại ATK  Định Hóa - Thái Nguyên và Khu di tích lịch sử Tân Trào – Tuyên Quang đã để lại cho các đồng chí đảng viên chi bộ Công nghệ May và Thời trang những bài học thực tế quý giá. Được tận mắt chứng kiến nơi ở và làm việc của Bác Hồ và các chiến sĩ cách mạng trong suốt thời kì kháng chiến, mỗi đồng chí đảng viên trong chi bộ như được sống lại cùng những giây phút vẻ vang của dân tộc, lòng cảm thấy thật vinh dự và tự hào về truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của các bậc cha ông. Chi bộ CN May và Thời trang nguyện không ngừng học tập, lao động, ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

           Chuyến đi đã khép lại nhưng hình ảnh về những địa danh đã đi qua thì vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí mỗi đồng chí đảng viên trong chi bộ, tiếp thêm nghị lực để phấn đấu và cống hiến, viết tiếp trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước.

                                                                                    Nguồn Chi bộ CN May & Thời trang

                                                                                        Thực hiện: Ths. Tạ Vũ Lực

Video